Theo Đông y, nấm rơm có vị ngọt, tính hàn có công năng bổ tỳ, ích khí, tiêu thực, khử nhiệt, tăng sức đề kháng, có khả năng kháng ung thư và làm hạ cholesterol máu, trị liệu hiệu quả nhiều bệnh chứng
- Giá trị dinh dưỡng và dược liệu
Nấm rơm là một trong những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, trong 100g nấm khô có tới 21% protein (đạm), 20,1mg vitamin C, 1,2mg thiamin (vitamin B), 17,2mg Sắt, 71mg Canxi, và 677mg Phốt pho cao hơn cả trứng. Ngoài ra, nấm rơm còn chứa nhiều loại vitamin khác như A, D, E, đặc biệt có đến 7 loại a-xít amin thiết yếu mà cơ thể không tổng hợp được. Nhờ đó, nấm rơm đã được dùng làm nguyên liệu chế biến ra nhiều món ăn hỗ trợ cho việc điều trị một số bệnh như: các chứng rối loạn chuyển hóa, nội tiết như béo phì, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và đái tháo đường.
Theo Đông y, nấm rơm có vị ngọt, tính hàn có công năng bổ tỳ, ích khí, tiêu thực, khử nhiệt, tăng sức đề kháng, có khả năng kháng ung thư và làm hạ cholesterol máu, trị liệu hiệu quả nhiều bệnh chứng.
+ Yếu sinh lý, di-hượt tinh: dùng 50gr nấm rơm, 50gr dền cơm, 2 miếng đậu hũ tươi, 50gr tôm bạc nấu trong 250ml, ăn 3 lần/ngày.
+ Người cao tuổi mất sức: 200gr nấm rơm búp, 5 quả táo ta, nấu trong 350ml nước còn 150ml, trước khi ăn thêm 3gr gừng, ăn 3 lần/ngày.
+ Gan nhiễm mỡ, khí huyết kém khó ngủ: xào 100gr nấm rơm với 5 trứng cút, ăn vào buổi tối, ăn liền 15 ngày.
+ Phòng chống ung thư, bổ tỳ vị: Nấm rơm nấu với đậu phụ ăn ngày một lần, thường xuyên ăn càng tốt.
+ Bổ gan thận, ích khí, tăng sức: Nấm rơm xào với trứng bồ câu hay trứng chim cút. Ngày ăn 1 lần.
Chú ý: Nấm rơm hàn mát, thịnh âm nên dùng thêm sả, gừng, tiêu, ớt sẽ tăng dược tính.
B. Kỹ thuật trồng
Nấm rơm có tên khoa học là Volvariella volvacea gồm nhiều loài khác nhau, có loài màu xám trắng, màu xám, xám đen,… độ lớn (kích thước) của nấm tùy thuộc từng loài. Dù có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhưng chúng thuộc loại nấm dễ trồng, chi phí thấp, mau thu hoạch và cho lợi nhuận khá cao. Vì vậy, nhiều năm trở lại đây nghề trồng nấm rơm tại nhiều nơi phát triển mạnh, và nó đã trở thành “cây trồng” giảm nghèo cho nhiều nông hộ. Khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long nấm rơm có thể trồng được quanh năm nếu nền đất không bị ngập nước. Để trồng nấm rơm đạt hiệu quả, chúng ta có thể thực hiện trình tự các bước sau:
1. Chọn nơi chất (trồng) nấm
Nên chọn những nơi thuận tiện cho việc đi lại, gần nguồn nước tưới, nền đất bằng phẳng, cao và thoáng.
2. Chuẩn bị nguồn nguyên liệu (rơm)
Hầu hết các loại rơm rạ sau khi thu hoạch lúa xong đều có thể dùng trồng nấm. Tuy nhiên để trồng nấm có năng suất nấm cao, bà con chỉ nên sử dụng rơm rạ mới, không bị nhiễm nấm dại, mốc, vi khuẩn…
Xử lý rơm rạ: Rơm rạ thường được xử lý bằng một trong 2 cách phổ biến sau:
+ Rơm được ủ thành đống: cách này áp dụng được cho cả rơm tươi và khô, tùy khối lượng rơm ủ và hiện trạng đất hiện có mà kích cở đống rơm được ủ có thể khác nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo nhiệt độ rơm ủ không quá cao hay quá thấp, cũng như thuận lợi cho việc đảo rơm, tưới nước và thời gian ủ rơm chín đạt yêu cầu, chiều rộng đống rơm ủ cần khoảng 1,5-2m và chiều dài không nên lớn hơn 8m. Khi chất thành đống, cứ mỗi lớp rơm cao khoảng 30cm thì tưới nước thấm đều lớp rơm (thêm một ít vôi vào nước tưới càng tốt), sau đó dùng chân giậm cho dẽ, các lớp rơm chất tiếp theo làm giống như lớp 1 cho đến khi đống rơm có chiều cao đạt yêu cầu (chiều cao của đóng rơm chỉ nên khoảng 1,5m). Sau đó lấy nylon, rơm khô lá chuối hoặc tàu dừa tủ chung quanh để giữ ẩm và giữ nhiệt. Nhiệt độ của đống rơm sau khi ủ vài ngày có thể lên cao khoảng 60- 70oC, với nhiệt độ này các mầm nấm dại, mốc vi khuẩn có thể bị chết và sự chuyển đổi vật chất bên trong rơm rạ xảy ra theo chiều có lợi cho quá trình hấp thu dưỡng chất cho sự phát triển của nấm sau này. Rơm chín sau khi được ủ từ 7 -12 ngày (khi đống rơm ủ xẹp xuống, chiều cao giảm còn khoảng 1m, cọng rơm mềm, màu vàng tươi và lớp rơm ủ bên trong có mùi thơm dễ chịu), lúc này có thể đem rơm chất ra luống.
+ Rơm được xử lý nước vôi trước khi ủ: cách này được áp dụng cho rơm, rạ đã khô. Rơm, rạ được nhúng trong nước vôi (pha với tỉ lệ 3,5 kg vôi cho 1.000 lít nước) vớt ra để ráo nước và chất thành đống ủ có che chắn như phần ủ rơm bên trên. Rơm sau khi ủ được 2 – 3 ngày cần đảo một lần, rơm có thể đạt độ chín sau khi ủ được 6 ngày.
Lưu ý: Rơm rạ đủ ướt (nước) khi ta vắt vài cọng rơm có nước chảy thành giọt là tốt nhất, nếu khô quá cần bổ sung thêm nước thi đảo đống ủ. Cần đặt ống thông hơi cho các đống rơm ủ để giảm nhiệt độ rơm ủ nhằm giảm bớt sự mất đạm do bốc hơi.
3. Chọn meo (giống) nấm
Chọn meo (giống) nấm là khâu quan trọng, nó có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất nấm trồng sau này. Chọn meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn sẽ cho năng suất cao và chất lượng nấm tốt.
Tiêu chuẩn bịch meo tốt: Sợi tơ nấm màu trắng trong, mở nắp bịch có mùi tương tự như nấm rơm. Tơ nấm phát triển đều khắp mặt trong bịch meo. (Riêng một số meo giống, khi tơ trưởng thành, bắt đầu kết tụ lại thành những hạt màu đỏ nâu vẫn cho năng suất tốt). Một bịch meo giống nặng trung bình 120g, có thể gieo trên mô nấm rộng 0,5m, cao 0,4- 0,5m, chiều dài liếp 4-5m.
Chú ý khi chọn meo giống: Không chọn sử dụng bịch meo có đốm màu nâu, đen, vàng cam vì đã bị nhiễm nấm dại. Không chọn bịch meo phía dưới đáy bịch bị ướt, bị nhão và có mùi hôi chua.
4. Xếp mô & rắc meo giống
Lấy rơm trong đống đã ủ: Dỡ bỏ lớp rơm ngoài mặt đống ủ. Lấy rơm đã ủ bên trong mang đi xếp mô trồng nấm, cố gắng xếp hết trong ngày phần rơm đã dỡ lớp ngoài mặt đống ủ đậy khi ủ